Có học bổng 100% thì du học vẫn tốn vài trăm triệu đồng mỗi năm

Ngày đăng: 09/12/2023 09:33 AM

Dù được nhận học bổng 100% lên đến vài tỷ đồng, nhiều du học sinh ở Mỹ cho biết gia đình vẫn phải tốn thêm khoản chi phí lớn mỗi năm.

“Mình được học bổng chi trả 100% học phí, nhưng với nước Mỹ đắt đỏ, mình vẫn phải chật vật lắm", Nguyên Phương (22 tuổi) chia sẻ sau gần 4 năm du học tại Đại học Ohio Wesleyan, bang Ohio, Mỹ.

Từ lâu, du học bậc đại học ở Mỹ đã trở là lựa chọn của nhiều học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với nhiều trường đại học danh tiếng, chất lượng giảng dạy hàng đầu là mức học phí và sinh hoạt phí đắt đỏ.

Không ít gia đình nghĩ rằng chỉ cần con có học bổng, vấn đề tài chính sẽ trở nên dễ dàng. Nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác xa.

Sống tiết kiệm vẫn tốn gần 600 trăm triệu đồng/năm

Chia sẻ với Znews, Nguyên Phương cho biết cô được chi trả toàn bộ mức học phí 180.000 USD (tương đương 4,3 tỷ đồng) cho 4 năm học tại Mỹ. Đây là mức học bổng lớn đối Phương, nhưng, nó vẫn chỉ chiếm khoảng 60-65% chi phí du học. Sau học bổng, số tiền thực tế gia đình Phương chi trả vẫn rất lớn.

“Năm đầu tiên, bố mẹ mình phải đóng khoảng 16.000 USD sau học bổng, bao gồm ăn ở, ký túc xá và bảo hiểm. Các chi phí sinh hoạt như mua sắm cá nhân, sách vở, mình chi thêm 5.000-6.000 USD/9 tháng, vé máy bay khứ hồi 2.000 USD. Tổng cộng khoảng 24.000 USD”, Phương cho hay đây là mức sống rất tiết kiệm, không đi du lịch hoặc đi chơi ngoài trường suốt năm nhất.

Chưa kể mỗi năm, Mỹ sẽ tăng học phí 3-5%, vật giá cũng tăng tương tự.

"Vậy nên, mỗi năm tăng thêm 2.000-3.000 USD là chuyện bình thường", Phương nói thêm.

Tương tự, theo học tại Đại học Drexel (bang Pennsylvania, Mỹ), Phạm Minh Quân (22 tuổi) cho biết cậu được cấp học bổng 6,7 tỷ đồng cho 4 năm học, bao gồm toàn bộ học phí cùng một phần chi phí ăn ở.

Vấn đề tài chính có phần “dễ thở” hơn đối với Quân song mỗi năm, gia đình vẫn phải trợ cấp thêm 5.000-8.000 USD/năm để cậu sinh hoạt, đi lại, mua vé máy bay về Việt Nam.

Ngoài ra, Quân cho biết gia đình cậu cũng phải chuẩn bị những khoản dự phòng cho ốm đau, tai nạn, lừa đảo, trộm cắp tại Mỹ.

“Dù mình đã phải đóng mức bảo hiểm khá cao, mỗi lần đi khám chữa bệnh vẫn phải chi trả thêm, ít nhiều tùy trường hợp. Có lần, mình đã nhận hóa đơn viện phí lên đến 500 USD dù không khám chữa gì nhiều”, Quân chia sẻ.

Minh Quân nói rằng việc xin học bổng toàn phần bậc đại học ở Mỹ là rất khó.

Không dễ để có học bổng

Trao đổi với Znews, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Lê Đình Hiếu tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), chuyên gia cao cấp từ Tổ chức Giáo dục MAX Education, cho biết đa số, các trường đại học Mỹ đều cấp học bổng theo phần trăm.

Rất ít trường trao học bổng toàn phần (bao gồm học phí, sinh hoạt phí…) ở bậc cử nhân. Vậy nên, mức độ cạnh tranh cho những suất học bổng này cũng rất lớn.

Theo dữ liệu tại Research cập nhật tháng 10/2023, năm 2021, học bổng toàn phần chỉ được trao cho khoảng 0,1% sinh viên tại đại học Mỹ.

Thực tế, để được học bổng toàn phần, Quân phải cạnh tranh với hàng nghìn sinh viên từ 200 quốc gia trên thế giới. Tỷ lệ đỗ là dưới 5% so với số lượng đơn nộp.

“Học bổng này không chỉ dựa trên thành tích học tập mà còn đánh giá khả năng, tính cách, tố chất lãnh đạo và đóng góp cho cộng đồng của thí sinh", Quân nói.

Nam sinh cho biết để có những thứ này, gia đình cũng phải có khoản tài chính khá lớn để chi trả, bao gồm tiền học và thi các chứng chỉ quốc tế, chuẩn bị hồ sơ tài chính và gửi hồ sơ, chi phí làm visa… Các khoản này cũng lên đến cả trăm triệu.

Ngoài ra, Quân cho biết đa số trường hợp du học đều qua trung tâm tư vấn với các gói chi phí khác nhau, 35-500 triệu đồng tùy trường hợp.

Vẫn có một số trung tâm miễn phí do có liên kết hợp tác với các trường, tuy nhiên, sự lựa chọn khá hạn hẹp và không tốt.

“Việc xin học bổng toàn phần là rất khó. Đôi khi, nó còn mang tính chất may rủi. Ngoài ra, nhiều trường còn quyết định việc nhận học sinh dựa trên mức tối đa gia đình có thể đóng tiền cho trường. Nếu xác định đi du học Mỹ, bạn phải có cái nhìn thực tế hơn về các khoản tài chính này", Quân nói.

Cùng quan điểm với Quân, Nguyên Phương cho biết thêm để duy trì học bổng, du học sinh phải đáp ứng được các điều kiện của trường.

Với trường hợp của cô, GPA luôn phải ở mức 3.2/4, phải đi học, làm bài đầy đủ, không lớp nào dưới điểm B+.

Còn với Quân, cậu phải giữ ở mức 2.75/4. Nếu không đáp ứng, du học sinh sẽ bị cắt học bổng ngay lập tức.

"Bạn vẫn có thể cải thiện điểm số để xin lại trợ cấp học bổng. Tuy nhiên, bạn phải hiểu rằng nhận được học bổng thì không có nghĩa là học bổng luôn ở đó", Quân nói thêm.

Không có chuyện đi làm thêm để tự nuôi ăn học ở Mỹ

Với các khoản chi phí đắt đỏ kể cả khi có học bổng, Phương cho biết nhiều bạn có ý định đi làm thêm để có tiền trang trải. Tuy nhiên, số tiền lương này chỉ đủ chi trả một phần, việc tự nuôi mình ăn học là không khả thi.

Ở Mỹ, du học sinh bị hạn chế làm thêm, chỉ được phép làm những công việc trong trường với thời gian tối đa là 20 giờ/tuần. Mức lương sẽ tùy theo bang hoặc chính phủ. Chưa kể, các công việc này thường khá cạnh tranh và ưu tiên sinh viên Mỹ.

“Ví dụ, ở bang Ohio, lương tối thiểu là 7,25 USD/giờ. Nếu làm đủ 20 giờ/tuần, bạn sẽ nhận 580 USD/tháng chưa trừ thuế. Con số này không đáng kể so với mức chi phí trên 1.000 USD/tháng (cực tiết kiệm và ở vùng có mức sống thấp)", Phương phân tích.

Trong khi đó, Minh Quân cho biết nhiều du học sinh chọn làm chui bên ngoài (làm móng, bốc vác, phục vụ nhà hàng...). Mức lương các công việc này cao hơn, không phải đóng thuế. Tuy nhiên, du học sinh phải đối mặt với nguy cơ bị bắt, phạt tiền hoặc trục xuất khỏi Mỹ.

Nguyên Phương làm thêm, tham gia các cuộc thi và nộp thêm học bổng phụ để giảm bớt chi phí cho gia đình.

“Cách tốt nhất là bạn cần duy trì học bổng, tiết kiệm tiền, tránh tiêu xài hoang phí. Nếu có đi làm thêm thì cần đặt việc học lên trước. Nhìn chung, gia đình cũng nên chuẩn bị tài chính vững vàng để việc học của các bạn không bị gián đoạn", Quân chia sẻ.

Đồng quan điểm, Nguyên Phương cho biết để tiết kiệm chi phí, nữ sinh phải học cách sống tiết kiệm, cắt bớt các khoản không cần thiết, hạn chế đi du lịch và đa số ăn ở trường

Cô cũng đi làm thêm (gia sư và chấm bài giúp giáo sư), nhưng chỉ khoảng 10-12 giờ/tuần. Ngoài ra, cô cũng tham gia một số cuộc thi và giành giải thưởng, đồng thời giành thêm một số học bổng phụ hàng năm của khoa.

“Hai năm học cuối, với phương án trên, mình giảm được kha khá chi phí dù bản thân khá vất vả. Bù lại, bố mẹ chỉ cần trợ cấp cho mình 5.000-10.000 USD/năm”, Phương nói thêm.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Nguồn: Zing