Dữ liệu do DAAD (Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức) công bố tuần này. Các đại học ở Đức thường có hai kỳ nhập học, vào mùa hè và mùa đông.
Theo DAAD, số sinh viên quốc tế chiếm gần 13% tổng số sinh viên ở Đức. Du học sinh Ấn Độ đông nhất với khoảng 49.000 người, sau đó là Trung Quốc - 38.700. Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ ba (18.100), tiếp theo là Áo (15.400) và Iran (15.200).
Giáo sư Monika Jungbauer-Gans, Giám đốc khoa học ở Trung tâm nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học Đức, cho biết số sinh viên quốc tế tại Đức đã tăng trong 15 năm liên tiếp.
"Đây là dấu hiệu rõ ràng về sức hấp dẫn của các đại học Đức và chương trình học của họ, đặc biệt là chương trình thạc sĩ bằng tiếng Anh", ông nói.
Hiện tại, khoảng 10% chương trình học thuật ở Đức được giảng dạy bằng tiếng Anh. Kai Sicks, Tổng thư ký DAAD, cũng đồng tình điều này thu hút đáng kể sinh viên quốc tế. DAAD ủng hộ các trường có nhiều chương trình tiếng Anh hơn, nhưng đồng thời có thêm lựa chọn để du học sinh học tiếng Đức.
"Nếu bạn hỏi một sinh viên quốc tế thành công như thế nào ở Đức, chúng tôi thường nhận được câu trả lời rằng điều đó phụ thuộc vào mức độ hòa nhập của sinh viên đó ở trường và xã hội", ông cho biết.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang thiếu lao động tay nghề cao trầm trọng - khoảng 7 triệu người vào năm 2035, do già hóa dân số.
DAAD từng kêu gọi chính phủ, các đại học và doanh nghiệp xây dựng chiến lược thu hút và tăng gấp đôi tỷ lệ sinh viên quốc tế ở lại sau tốt nghiệp, lên khoảng 50.000 người mỗi năm vào năm 2030.
Theo khảo sát của Study in Germany, cổng thông tin về du học Đức, có ba lý do chính khiến nước này hấp dẫn sinh viên nước ngoài.
Đầu tiên, các đại học công lập miễn học phí, sinh viên chỉ mất một khoản phí hành chính 150-250 euro (4-6,6 triệu đồng) mỗi năm. Trong khi đó, chất lượng giáo dục đại học Đức được đánh giá cao với hơn 500 chương trình cử nhân, thạc sĩ được dạy bằng tiếng Anh. Tổng cộng có 49 trường của nước này vào bảng xếp hạng đại học thế giới của THE.
Thứ hai, chi phí sinh hoạt trung bình của sinh viên quốc tế tại Đức chỉ khoảng 930 euro/tháng (1.000 USD), thấp hơn đáng kể so với du học sinh tại Anh (1.500 USD) hay Mỹ (1.250 USD).
Cuối cùng, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội ở lại làm việc lên tới 18 tháng với giấy phép cư trú mở rộng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy gần 70% du học sinh muốn ở lại Đức tìm việc sau tốt nghiệp.
Hồi cuối tháng 5, TS Steffen Kaupp, Viện phó Viện Goethe Hà Nội, cho biết số sinh viên người Việt ở Đức là gần 7.400, tăng khoảng 30% so với giai đoạn trước Covid-19.
Theo ông Kaupp, người Việt rất chuộng học nghề, phổ biến nhất là nghề Điều dưỡng và Khách sạn, chiếm gần một nửa, sau đó là các ngành Kỹ thuật.
Nguồn: VN EXPRESS