Thủ tướng đề nghị Úc tăng gấp đôi học bổng cho sinh viên Việt Nam

Ngày đăng: 08/03/2024 04:46 PM

Việt Nam hiện đang đứng thứ sáu về số du học sinh tại Úc, nhưng phần lớn đi theo diện tự túc. Với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa thiết lập, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Úc cấp thêm học bổng cho Việt Nam.

Sáng 8-3 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Úc được tổ chức tại Đại học Quốc gia Úc (ANU) ở thủ đô Canberra.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục Úc tổ chức sự kiện ở ANU - một trường đại học hàng đầu thế giới với 6 cựu sinh viên và giảng viên từng đoạt giải Nobel.

Diễn đàn, theo Thủ tướng, là cơ hội quý để kết nối các cơ sở giáo dục, nhà đầu tư hai bên cùng thảo luận, tìm hiểu và chia sẻ cơ hội hợp tác và đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, qua đó góp phần thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Đề nghị Úc cấp thêm học bổng, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng cho hay các trường của Úc là một trong những lựa chọn phổ biến hàng đầu của du học sinh Việt Nam.

Đến nay, gần 80.000 du học sinh Việt Nam đã từng học tập tại Úc. Nhiều người trong số này đã trở về nước và thành công, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước và thúc đẩy quan hệ song phương.

Từ năm 1974, các chương trình học bổng của Chính phủ Úc đã tạo điều kiện cho gần 6.500 người Việt Nam đi học tại Úc.

Đến năm 2000, Việt Nam đã chủ động cử công dân đi học tập nước ngoài để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước. Tính đến hiện nay, có khoảng 1.200 người đã được cử đi học tập tại Úc, với hơn 800 tiến sĩ và gần 400 thạc sĩ.

Số du học sinh Việt Nam đang học tập hiện tại là hơn 32.000 người. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là du học sinh theo diện tự túc kinh phí, chỉ một phần nhỏ đi theo các chương trình học bổng.

Do đó, Thủ tướng mong muốn và trân trọng đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục cũng như các cơ sở giáo dục đào tạo của Úc xem xét "tăng gấp đôi số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam trong 2-3 năm tới".

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Úc tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách visa, bảo đảm điều kiện sống, sinh hoạt, an ninh an toàn cho người Việt Nam sang Úc học tập.

Khuyến khích các trường đại học Úc mở phân hiệu ở Việt Nam

Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam xem giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược. Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục - đào tạo tại Việt Nam còn khiêm tốn, nhất là bậc đại học. Cho đến nay mới chỉ có 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhắc đến RMIT Việt Nam, Thủ tướng cho biết mặc dù học phí của trường cao, rất nhiều người ở Việt Nam vẫn chọn RMIT vì chất lượng đào tạo và nguồn tuyển dụng đầu ra tốt.

Điều này cho thấy dư địa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn rất nhiều.

Do đó, ông đề nghị phía Úc và Việt Nam tăng số lượng và nâng cao chất lượng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo, đại học của hai nước.

Trong đó chú trọng hơn đến nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ những ngành mà Việt Nam còn thiếu, phía Úc có thế mạnh như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, năng lượng xanh, công nghệ sinh học... và đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Đồng thời hai bên cần tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên và đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học của hai nước. Đặc biệt là tạo điều kiện để các giáo sư sang Việt Nam hỗ trợ giảng dạy những ngành nghề mới mà Việt Nam có nhu cầu.

Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Mục tiêu đề ra là tạo thuận lợi tối đa cho các cơ sở giáo dục - đào tạo, nhất là các đại học uy tín tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Nhân dịp này, ông cũng hoan nghênh việc bộ giáo dục hai nước đã thành lập nhóm công tác chung nhằm hỗ trợ các đại học của Úc thành lập phân hiệu ở Việt Nam, tin tưởng nhóm sẽ hoạt động hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường của Úc.

"Tôi mong rằng trong tương lai gần, chúng ta sẽ được nhìn thấy có thêm nhiều cơ sở giáo dục - đào tạo, đại học của Úc mở phân hiệu và các hình thức hợp tác, nghiên cứu đa dạng, hiệu quả tại Việt Nam.

Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng các dự án ngang tầm khu vực, mang tính biểu tượng trong hợp tác giáo dục - đào tạo, xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong tiếng vỗ tay của tất cả những người có mặt tại diễn đàn.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Tổng giám đốc CSIRO Doug Hilton ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan sáng 8-3 - Ảnh: NHẬT BẮC

Cũng trong sáng 8-3 tại Canberra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm và làm việc với Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Úc (CSIRO) - một trong những tổ chức khoa học - công nghệ đa ngành lớn nhất thế giới.

Tại đây, người đứng đầu Chính phủ đã nghe Tổng giám đốc CSIRO Doug Hilton báo cáo về các hoạt động hợp tác với Việt Nam, tham quan triển lãm giới thiệu các kết quả hợp tác giữa hai bên.

Thủ tướng nêu rõ 1 trong "6 điểm hơn" của khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Úc là thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn.

Những định hướng của CSIRO trong tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp… đều phù hợp với các chính sách phát triển của Việt Nam.

Do đó, Thủ tướng mong muốn CSIRO và các đối tác Việt Nam tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả rất tốt đẹp những năm qua, triển khai các chương trình và dự án hợp tác thiết thực mang lại kết quả cụ thể.

Các địa phương, bộ, ngành sẽ xây dựng các chương trình, dự án để mời CSIRO hợp tác. Chính phủ Việt Nam sẽ có các cơ chế, chính sách, chỉ đạo, điều hành để các chương trình, dự án triển khai được thuận lợi.

Nguồn: Tuoitre